So sánh sản phẩm

Rút đơn khởi kiện thì có quyền khởi kiện lại không?

Rút đơn khởi kiện thì có quyền khởi kiện lại không?

1. Giai đoạn trước khi thụ lý vụ án

          - Căn cứ pháp lý: điểm g khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015

          - Phân tích: Trước khi thụ lý vụ việc, nếu “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện” thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp này, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện thực hiện.

          Đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

2. Giai đoạn sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án và chưa đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm

          - Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 217; Điều 218 BLTTDS năm 2015

          - Phân tích: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện…” thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; trừ trường hợp bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

          Theo đó, hậu quả pháp lý của trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ; có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó (khoản 1; khoản 3 Điều 218 BLTTDS năm 2015).

          Ngoài ra, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

3. Giai đoạn tại phiên tòa sơ thẩm

          - Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 244 BLTTDS năm 2015

          - Phân tích: Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

4. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm

          - Căn cứ pháp lý: Điều 299 BLTTDS năm 2015

          - Phân tích: Theo quy định nêu trên, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì HĐXX phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

          + Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

          + Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

          Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

          *Lưu ý: Đối với các vụ án tranh chấp về thừa kế trong giai đoạn trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS 2015, BLTTDS 2015 có hiệu lực). Tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của HĐTP TANDTC hướng dẫn quyền khởi kiện lại như sau:

           - Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết" nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

          - Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó;

          - Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

          - Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.

-------------------------------------------

Bài viết mang tính chất tham khảo do Văn phòng luật sư Như Khuê thực hiện, mọi chi thông tin cần tư vấn, liên hệ:

          - Trụ sở chính: số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

          - Chi nhánh Tp. HCM: số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. HCM

          SĐT: 0971862176

          Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

Tin liên quan