So sánh sản phẩm

Án treo và điều kiện để được hưởng án treo

Án treo và điều kiện để được hưởng án treo

         Gần đây, Văn phòng luật sư Như Khuê nhận được câu hỏi từ một bạn đọc gửi đến hòm thư email của Văn phòng: Thưa Luật sư, tôi thấy nhiều người bảo có thể xin để được hưởng án treo, vậy điều kiện để được hưởng án treo là gì?

          Để trả lời cho câu hỏi trên cũng là để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật hình sự hiện hành về án treo, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giải đáp: Án treo là gì? Điều kiện để được hưởng án treo?

1. Án treo là gì?

          Căn cứ khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo được hiểu như sau:

          - Là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện;

          - Áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm;

          - Được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

2. Điều kiện được hưởng án treo

          Điều kiện để người bị kết án phạt tù được hưởng án treo theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể: Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

          (i) Bị xử phạt tù không quá 03 năm;

          (ii) Có nhân thân tốt:

          - Được coi là có nhân thân tốt nếu người lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc;         

          - Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điêu kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

          (iii) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên:

          Trong đó, có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự.

          Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

          (iv) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục:

          - Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

          - Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

          (v) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

                                                                     Ảnh minh họa: Nguồn Internet  

          Trên thực tế, có nhiều người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng họ đã ăn năn, hối cải trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử và tội phạm mà họ đã thực hiện không quá nguy hại cho xã hội hoặc đến thời điểm xét xử, thiệt hại trên thực tế đã được khắc phục thì xét dưới góc độ nhân đạo, xã hội có thể nhìn nhận và giúp đỡ họ “hoàn lương”.

          Bên cạnh những điều kiện quy định về việc được hưởng án treo, pháp luật hình sự cũng quy định rõ những trường hợp không được hưởng án treo, cụ thể tại Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP như sau:

          - Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trực lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

          - Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã;

          - Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo;

          - Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi;

          - Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

          Trên đây là một số quy định của pháp luật mà Văn phòng luật sư Như Khuê đã tổng hợp và phân tích về án treo và điều kiện được hưởng án treo cũng như đưa ra các trường hợp pháp luật không cho hưởng án treo đối với người phạm tội.

-----------------------------------------------------------------------

          Mọi thông tin liên hệ tư vấn - Văn phòng luật sư Như Khuê, địa chỉ:

- Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

 

         

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

Tin liên quan