So sánh sản phẩm

Hiểu thế nào về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành?

Hiểu thế nào về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành?

         Trước hết, tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt là BLTTHS 2015) – Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã quy định về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (xem thêm: điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 1 Điều 59; điểm d khoản 1 Điều 60; điểm h khoản 1 Điều 61; điểm đ khoản 1 Điều 435 BLTTHS 2015).  

          Song nếu nhìn rộng ra, với góc nhìn của một số quốc gia khác trên thế giới thì “quyền im lặng” (right to remain silent) được gọi tương đối phổ biến và có tính chất khá tương đồng với thuật ngữ được sử dụng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nêu trên. Theo đó, thuật ngữ “quyền im lặng” được thể hiện điểm hình trong một án lệ kinh điển của Mỹ, đó là: Án lệ Miranda v. Arizona, tóm tắt án lệ này như sau: Ngày 23/3/1963, Emesto Miranda bị bắt vì hành vi trộm cắp tại một ngân hàng tại thành phố Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ. Sau khi bị cảnh sát thẩm vấn, Miranda đã tự nguyện thừa nhận tội trộm cắp và hành vi bắt cóc và hãm hiếp một số gái 18 tuổi. Tháng 6/1963, Miranda bị Tòa án quận Maricopa, thành phố Phoenix phán quyết 20 năm tù vì ba tội: trộm cắp, bắt cóc và hiếp dâm. Sau đó, Miranda đã kháng án với lý do khi bị bắt, anh ta không được thông báo về việc bất cứ một lời khai nào của mình sau này có thể được sử dụng để chống lại mình, và không biết về quyền được luật sư bào chữa khi cảnh sát hỏi cung. Tháng 6/1965, vụ án được Tòa án tối cao Hoa Kỳ giải quyết, theo đó, Chánh án Tòa án tối cao đã ra phán quyết bác bỏ việc kết tội Miranda khi chỉ dựa trên lời khai nhận tội do Miranda không được cho biết về những quyền của mình. Từ đó, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ra án lệ về việc trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho người bị tình nghi thực hiện tội phạm như sau: Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền nhờ luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và các luật sư sẽ có mặt khi thẩm vấn anh. Nếu không thể tìm được luật sư, anh sẽ được Tòa án triệu tập một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư nhưng anh vẫn có quyền tạm ngừng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư. Từ án lệ này, thuật ngữ “quyền im lặng” được khái quát và sử dụng phổ biến tại Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới.

                                                                                             Ảnh minh họa: Nguồn Internet

          Như đã đề cập ở trên, cho đến nay, nguyên văn thuật ngữ “quyền im lặng” không được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật của hệ thống pháp luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam. Nhưng nội dung (tinh thần) của quyền này đã lần đầu được quy định trực tiếp trong BLTTHS 2015 với cách gọi là: quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

          BLTTHS 2015 quy định quyền nêu trên dành cho người bị buộc tội, gồm bốn chủ thể pháp lý: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo đó, những chủ thể này được thông báo và giải thích về quyền và nghĩa vụ tố tụng, trong đó có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Bên cạnh đó, BLTTHS 2015 cũng bảo đảm thực hiện quyền này gắn liền với các quyền khác của người bị buộc tội gồm: quyền được mời Luật sư hoặc người khác bào chữa, quyền suy đoán vô tội (Điều 13); trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 15); quyền được bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội (Điều 16). Mặt khác, Điều 74 Bộ luật này cũng quy định: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào hữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ”.

          Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội cần được đặt trong mối quan hệ với các quyền và nghĩa vụ khác của người bị buộc tội theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để bản thân người bị buộc tội và cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cần tuân thủ và áp dụng đúng pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội cũng như đảm bảo giải quyết vụ án đúng trình tự, thủ tục luật định, tránh oan, sai.

          Bài viết của Văn phòng luật sư Như Khuê mang tính chất tham khảo, mọi thắc măc vui lòng liên hệ: Văn phòng luật sư Như Khuê, địa chỉ:

- Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

 

 

 

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục