So sánh sản phẩm

Cầm cố tài sản (một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành

Cầm cố tài sản (một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành

          Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì có 9 biện pháp được quy định nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như sau: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, tín chấp, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản. Theo đó, các biện pháp này cũng được giới hạn việc phát huy chức năng của nó trong phạm vi mà các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, cụ thể: Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một hoặc toàn bộ thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

          Bài viết dưới đây của Văn phòng luật sư Như Khuê sẽ phân tích về biện pháp cầm cố tài sản.

          Trước hết, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

                                                                                                                                   Ảnh minh họa: Nguồn Internet

          1. Quyền và nghĩa vụ của các bên

          a) Quyền và nghĩa vụ của bên cầm cố

          - Nghĩa vụ của bên cầm cố (Điều 311 Bộ luật dân sự năm 2015):

          + Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận;        

          + Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhân cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố;

          + Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

          - Quyền của bên cầm cố (Điều 312 Bộ luật dân sự năm 2015):

          + Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 314 của Bộ luật này nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất hoặc giảm sút giá trị (theo đó, khoản 3 Điều 314 quy định: Bên nhận cầm cố có quyền được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận). Điều này được hiểu rằng, việc bên nhận cầm cố được khai thác và hưởng lợi phát sinh từ tài sản mà bên cầm cố giao cho là xuất phát từ thỏa thuận của các bên, song, nếu trong quá trình mà bên nhận cầm cố khai thác hoặc hưởng lợi từ tài sản bằng việc cho người khác thuê, mượn mà có ảnh hưởng đến giá trị của tài sản hoặc có nguy cơ bị mất thì bên cầm cố có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc cho thuê, cho mượn nhằm đảm bảo tài sản cầm cố được bảo toàn về giá trị cũng như các công năng khác, tránh sự giảm sút hoặc biến mất của tài sản;        

          + Yêu cầu bên nhân cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;  

          + Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố;

          + Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

          b) Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố

          - Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố (Điều 313 Bộ luật dân sự năm 2015):

          + Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mết, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố;

          + Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác;

          + Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

          + Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

          - Quyền của bên nhận cầm cố (Điều 314 Bộ luật dân sự năm 2015):          + Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó;

          + Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố thì sẽ áp dụng phương thức đó khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ đối với bên có quyền, song, nếu trường hợp không có thỏa thuận, không thỏa thuận được thì việc xử lý tài sản cầm cố sẽ được áo dụng theo quy định của pháp luật. Tại khoản 1 Điều 303 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà các bên trong quan hệ cầm cố tài sản có thể lựa chọn là: bán đấy giá tài sản; bên nhận cầm cố tự bán tài sản; bân nhận cầm cố nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên cầm cố hoặc phương thức khác;

          + Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận;

          + Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

          2. Chấm dứt cầm cố tài sản

          Theo quy định tại Điều 315 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cầm cố tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:        

          - Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;   

          - Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

          - Tài sản cầm cố đã được xử lý;

          - Theo thỏa thuận của các bên.

          3. Trả lại tài sản cầm cố

          Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 315 của Bộ luật này hoặc theo thỏa thuận của các bên thì tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

          4. Hiệu lực của cầm cố tài sản

          - Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác;

          - Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

-----------------------------------------------------

          Bài viết được thực hiện bởi Văn phòng luật sư Như Khuê, mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

          - Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

          - Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

          Hotline: 0971862176

          Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

 

 

         

         

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

Tin liên quan