So sánh sản phẩm

Thế chấp tài sản và những quy định cần phải biết?

Thế chấp tài sản và những quy định cần phải biết?

Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khá phổ biến trong đời sống xã hội nói chung, trong quan hệ vay có bảo đảm tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng nói riêng. Trong phạm vi bài viết này sẽ cung cấp đến quý bạn đọc những quy định pháp luật liên quan đến biện pháp thế chấp tài sản.

Theo đó, thế chấp tài sản được hiểu là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ, các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Điều 318 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rõ về các trường hợp cụ thể của tài sản thế chấp như sau:

- Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

Trên thực tế, vì tính chất của thế chấp là không có sự chuyển giao tài sản từ bên thế chấp sang bên nhận thế chấp nên vẫn có trường hợp bên thế chấp hoặc bên thứ ba có thể đầu tư vào tài sản thế chấp, ví dụ: Ông A thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất cho ông B để đảm bảo cho việc thực hiện trả nợ hợp đồng vay tiền ông B, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thế chấp, ông A vẫn trực tiếp sinh sống tại nhà ở trên đất đó, căn nhà có xuống cấp, nên ông A đã tiến hành sửa chữa và xây dựng thêm một số hạng mục khác. Trong trường hợp bên thế chấp thực hiện quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp.

          Tuy nhiên, có trường hợp việc đầu tư tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, bởi lẽ: Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã quy định tại khoản 2 Điều 20 như sau: “Việc đầu tư vào tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp trong trường hợp:

          a) Bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp;

          b) Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.”

          Và đối với trường hợp đầu tư vào tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc đầu tư nếu việc đầu tư làm giảm giá trị tài sản thế chấp.

          Trên đây là khái quát một số quy định liên quan đến biện pháp thế chấp tài sản mà Văn phòng luật sư Như Khuê cung cấp đến quý bạn đọc. Để được hỗ trợ, tư vấn, liên hệ chúng tôi:

- Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0971862176

Gmail: Vplsnhukhue@gmail.com

 

         

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục