So sánh sản phẩm

Xử lý giao dịch giả tạo trong mối quan hệ giữa các bên

Xử lý giao dịch giả tạo trong mối quan hệ giữa các bên

         Giao dịch giả tạo (hay trên thực tế thường gọi với tên gọi khác là “giả cách”) là loại giao dịch giữa hai hoặc nhiều bên với nhau được xác lập trên cơ sở hành vi gian dối và thực hiện khi các bên xác lập giao dịch đó. Giao dịch giả tạo là giao dịch được xác lập nhằm che giấu việc thực hiện một hợp đồng khác mà các bên thật sự mong muốn thực hiện. Giao dịch giả tạo mà các bên đồng ý cùng nhau xác lập nhưng mục đích giao dịch được thể hiện không phù hợp với mục đích các bên thực sự quan tâm, hướng tới, mong muốn đạt được.

          Trên thực tế, loại hợp đồng giả tạo thường được các bên tham gia là việc các bên vay tiền có biện pháp bảo đảm, ví dụ: A vay tiền của B và có xác lập hợp đồng vay tài sản, tuy nhiên, B yêu cầu A phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay tiền bằng cách ký thêm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà A là chủ sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, bản chất của các bên tham gia giao dịch vay tiền là hợp đồng vay tài sản có biện pháp bảo đảm là thế chấp quyền sử dụng đất, song, bên B lại muốn được ký thêm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trong nhiều trường hợp trên thực tế thì khi bên A đã trả đủ tiền vay cho bên B thì bên B cũng lợi dụng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sang tên thửa đất và gây thiệt hại đối với bên vay có bảo đảm. Và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên có thể được xác định là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác là giao dịch vay tài sản.

                                               Ảnh minh họa: Internet 

          Vậy, xử lý hợp đồng giả tạo trong mối quan hệ giữa các bên như thế nào?

1. Đối với hợp đồng giả tạo (hay “giả cách”, “bề ngoài”)

          Trong mối quan hệ giữa các bên, trong giao dịch có giả tạo, theo Bộ luật dân sự Việt Nam quy định: giao dịch giả tạo vô hiệu. Như vậy, giao dịch giả tạo (hay giả cách, bề ngoài) là vô hiệu. Theo đó, có hai trường hợp là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo theo Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

          - Giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu;

          - Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

2. Đối với hợp đồng bị che giấu

          Pháp luật hiện hành theo hướng tôn trọng ý chí của các bên nên quy định giao dịch thực tế có giá trị pháp lý, khoản 1 Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

          Như vậy, về nguyên tắc sự vô hiệu của hợp đồng giả tạo không làm ảnh hưởng đến hợp đồng bị che giấu và thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, Tòa án đã tiến hành tuyên hợp đồng giả tạo vô hiệu nhưng hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực.

3. Đối với người thứ ba liên quan

          Giao dịch giả tạo hay giao dịch bị che giấu thường được xác lập giữa các chủ thể tham gia quan hệ đó, song, có một số trường hợp có ảnh hưởng đến người thứ ba và giao dịch có giả tạo cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba.

          Vậy, hướng xử lý đối với người thứ ba liên quan này như thế nào?

          Việc bảo vệ người thứ ba là vấn đề khó khi xử lý giao dịch có giả tạo, tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người thứ ba có liên quan có thể vận dụng các quy định của pháp luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình để xem xét trong quan hệ của mình với các chủ thể của giao dịch giả tạo.

          Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo tại Bộ luật dân sự hiện hành đã và đang góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự.

          Trên đây là bài viết mà Văn phòng luật sư Như Khuê thực hiện nhằm định hướng xử lý sơ bộ đối với giao dịch giả tạo theo luật hiện hành. Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi!

-------------------------------------------------------------

Mọi thông tin liên hệ tư vấn - Văn phòng luật sư Như Khuê, địa chỉ:

- Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

 

 

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

Tin liên quan