So sánh sản phẩm

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành

          Điều tra vụ án hình sự là một trong những giai đoạn quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu nhìn dưới góc độ khoa học điều tra tội phạm thì điều tra là nhằm làm rõ các tình tiết, vật chứng, lời khai,… có trong vụ án để xác định ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học pháp lý, việc cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự được khái quát trong thuật ngữ “thẩm quyền điều tra vụ án hình sự”. Bằng việc nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành, Văn phòng luật sư Như Khuê xin gửi đến quý bạn đọc bài viết dưới đây nhằm giúp quý bạn đọc xác định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành.

          Trước hết, thẩm quyền điều tra được quy định chủ yếu tại Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

          Trong đó, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, tại Điều 272 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:

          + Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối hợp với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;

          + Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc các trường hợp trên liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội nhân dân hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ;

          + Ngoài ra, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.

          *Lưu ý: Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện theo Điều 273 như sau:

          - Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;

          - Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.

          Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là: cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

          Bên cạnh việc phân loại theo đối tượng tội phạm nêu trên thì tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn đưa ra quy định mang tính ưu tiên về thẩm quyền điều tra theo khu vực như sau:

          - Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình;

          - Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

          Ngoài ra, nếu xét theo việc phân cấp điều tra theo chiều dọc thì thẩm quyền điều tra còn được quy định như sau:

          - Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm: các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, các tội quy định tại các Điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự, các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          - Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu có thẩm quyền như sau: (i) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần thiết trực tiếp điều tra; (ii) Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra. Theo đó: Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án sau:

          + Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;

          + Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;

          + Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cáo trong dân tộc ít người.

          - Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

          Trên đây là bài viết mà Văn phòng luật sư Như Khuê cung cấp đến quý bạn đọc về thẩm quyền điều tra của các cơ quan điều tra đối với vụ án hình sự.     

--------------------------------------------------------------------

Mọi thông tin liên hệ tư vấn, hỗ trợ pháp lý - Văn phòng luật sư Như Khuê, địa chỉ:

- Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

Tin liên quan