So sánh sản phẩm

Đại diện giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật hiện hành

Đại diện giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật hiện hành

          Trong đời sống hàng ngày, nhất là đời sống hôn nhân, gia đình, trong một số trường hợp, vợ chồng khó có thể sắp xếp thời gian, công việc để cùng lúc tham gia một giao dịch dân sự với người thứ ba hoặc trong trường hợp khác thì một bên có thể đại diện cho bên còn lại và được pháp luật cho phép, quan hệ đại diện giữa vợ và chồng không những được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình (viết tắt là Luật HN&GĐ) mà còn được quy định trong Bộ luật dân sự (viết tắt là BLDS) hiện hành.

          *Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng

          Theo quy định tại Điều 24 Luật HN&GD năm 2014 thì:

          “1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

          2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

          3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

          Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”

          Theo đó, trên cơ sở quy định của BLDS năm 2015, Luật HN&GĐ năm 2014, Văn phòng luật sư Như Khuê sẽ gửi đến bạn đọc bài viết dưới đây về các trường hợp đại diện giữa vợ và chồng

          1. Đại diện giữa vợ và chồng khi một trong hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự

          Trước hết, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự mà một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giá định pháp y tâm thần.

          Theo quy định tại Điều 22 BLDS năm 2015 thì giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Và trong trường hợp này, người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ được giám hộ theo quy định về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 53 BLDS năm 2015), cụ thể:

          “1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ…”

          Điều này cho thấy rằng, pháp luật ưu tiên mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa vợ và chồng bởi dù cho một trong hai bên có bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng vẫn cùng chung sống, sinh hoạt chung một mái ấm nên một bên còn lại là người giám hộ đương nhiên sẽ thuận lợi trong việc quản lý, sử dụng tài sản chung vì lợi ích của vợ chồng và gia đình.

          2. Đại diện giữa vợ và chồng khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

          Theo quy định tại Điều 24 BLDS năm 2015 về hạn chế năng lực hành vi dân sự thì:

          “1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

          2. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do Tòa án quyết định. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị mất năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

          3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

          Và trong những trường hợp vợ hoặc chồng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như trên thì vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo  quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan (xem thêm khoản 3 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014).

                                                                                                                                                  Ảnh minh họa: Internet

          3. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

          Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

          Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, Điều 36 này quy định: “Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.”

          4. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng

          Theo đó, tại Điều 26 Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định cụ thể:

          “1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

          2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.”

---------------------------------------------------------

Bài viết mang tính chất tham khảo do Văn phòng luật sư Như Khuê thực hiện, mọi chi thông tin cần tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân gia đình, liên hệ:

- Trụ sở chính: số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh Tp. HCM: số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. HCM

SĐT: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

         

           

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục