So sánh sản phẩm

Tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp được giải quyết theo trình tự, thủ tục như thế nào?

Tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp được giải quyết theo trình tự, thủ tục như thế nào?

        Chị N.K.A (Tp. Hà Nội) có đề nghị Văn phòng luật sư Như Khuê tư vấn đối với trường hợp của chị như sau: “Tôi là nhân viên  tại Công ty Cổ phần đầu tư H.S từ năm 2021, tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2024 vừa qua, công ty có thông báo đến tôi là sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi sau 45 ngày nữa kể từ ngày thông báo, lý do là tôi không đạt chỉ tiêu doanh số ba tháng liên tiếp là tháng 12/2023 và tháng 1, 2 năm 2024. Tôi không đồng tình với việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng và đã có những quan điểm trái chiều với công ty thể hiện sự không đồng tình với quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp này của tôi, nếu tôi vẫn tiếp tục tranh chấp với công ty thì trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào? Mong nhận được sự tư vấn của Luật sư!”

        Trên cơ sở nội dung tư vấn cho tình huống nêu trên, Văn phòng luật sư Như Khuê tổng hợp một số quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp dưới đây!

        Trong quá trình làm việc, giữa người lao động và bên sử dụng lao động là doanh nghiệp có thể xảy ra mâu thuẫn liên quan đến quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện quan hệ. Theo đó, tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp được xác định là một trong những tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2019 (sau đây gọi tắt là BLLĐ 2019)

        Trên cơ sở quy định của pháp luật lao động hiện hành thì khi có tranh chấp lao động nêu trên xảy ra, các bên phải thực hiện giải quyết tranh chấp trên cơ sở nguyên tắc được quy định tại Điều 180 BLLĐ 2019 như sau:

        “1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

        2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

        3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

        4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

        5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.”

        Do đó, thực tế giải quyết tranh chấp lao động cần tuân thủ các nguyên tắc luật định nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

        Trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận, thương lượng được với nhau và có yếu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sau đây giải quyết tranh chấp: (i) Hòa giải viên lao động; (ii) Hội đồng trọng tài lao động; (iii) Tòa án nhân dân (Điều 187 BLLĐ năm 2019).

                                                                                     Ảnh minh họa: Nguồn Internet

2. Những tranh chấp lao động cá nhân không cần thực hiện thủ tục hòa giải vẫn được yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án giải quyết

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019 thì tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

        - Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

        - Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

        - Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

        - Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

        - Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

        - Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

3. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

        Theo quy định tại Điều 188 BLLĐ 2019 thì ngoại trừ các tranh chấp nêu tại mục 2 nêu trên thì các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án giải quyết.

        Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 BLLĐ 2019 (tức cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động), hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

        Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

        Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

        Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

        Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

        Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

        Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật nêu trên thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

        - Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 BLLĐ 2019;

        - Yêu cầu Tòa án giải quyết.

------------------------------------------

Văn phòng luật sư Như Khuê - địa chỉ uy tín tư vấn pháp luật, hỗ trợ giải quyết các vụ việc trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình,...Bên cạnh đó, Văn phòng chúng tôi còn tư vấn thường xuyên cho nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, chúng tôi tự tin về dịch vụ pháp lý cung cấp đến Quý khách hàng nhanh chóng, thuận tiện.

Địa chỉ:

- Trụ sở chính tại Hà Nội: Số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: Số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

       

       

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục